Tiêm filler không tan, phải làm sao?

Về cơ bản, filler là hoạt chất có thể tan một cách tự nhiên sau thời gian nhất định. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp filler không tan hết và để lại một số biến chứng nguy hiểm. Vậy khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân cần phải lưu ý gì?

1. Tiêm filler là gì?

Filler là tên gọi khác của chất làm đầy với thành phần chính Acid Hyaluronic (HA), một chất tồn tại tự nhiên trong tế bào của con người. Acid Hyaluronic cũng là cấu trúc phân tử đặc biệt có thể giúp làn da duy trì được sự hồng hào, vẻ đẹp tự nhiên và khỏe mạnh.

Trong thẩm mỹ, tiêm filler là kỹ thuật đưa chất làm đầy vào bên dưới bề mặt da để giúp căng da, đem lại hiệu quả trong việc xóa bỏ, giảm thiểu hay làm mờ nếp nhăn, vết chân chim trên khuôn mặt, khắc phục tình trạng da chảy xệ, nhăn nheo.

Cụ thể, có thể kể đến một số ứng dụng của tiêm filler như sau:

  • Làm đầy và căng má.
  • Xóa bỏ hoặc làm mờ đi các nếp nhăn, vết chân chim trên khuôn mặt.
  • Giảm các vùng trũng tại vùng da dưới mắt.
  • Làm mờ các vết sẹo nhỏ.
  • Tạo hình môi đẹp, làm đầy môi và tạo sự căng mọng cho môi.
  • Nâng cao mũi, làm thon gọn mũi.
  • Nâng chân mày.
  • Làm đầy vành tai.

Phương pháp tiêm filler là một kỹ thuật đơn giản, không cần phẫu thuật, không cần xâm lấn nhiều, không gây ra đau đớn và có độ an toàn khá cao. Đồng thời, quá trình tiêm cũng diễn ra đơn giản và nhanh chóng (thưởng trong khoảng từ 15 – 20 phút) và đặc biệt là thời gian hồi phục ngắn. Ngay sau tiêm, khách hàng đã có thể sinh hoạt bình thường.

2. Tiêm filler có tự tan được không?

Nhiều người thắc mắc rằng tiêm filler có tan được không hay tiêm filler mũi có tự tan được không? Về mặt bản chất, filler có thành phần Acid Hyaluronic có khả năng tự tan một cách tự nhiên sau khi được tiêm một thời gian. Tuổi thọ trung bình của filler sẽ là từ 6 -18 tháng và có thể dài hoặc ngắn hơn một chút tùy loại filler và cơ địa của khách hàng. Filler sẽ tan một cách từ từ cho đến khi chúng hoàn toàn biến mất tại vùng da đó.

Sau đó một thời gian, da sẽ dần trở về trạng thái ban đầu và khi đó những người này có thể thực hiện tiêm dặm lại filler để tiếp tục duy trì hiệu quả thẩm mỹ.

Có hai yếu tố quyết định thời gian filler giữ được hiệu quả, bao gồm:

Loại filler được sử dụng

Trong đó, mỗi loại filler cũng có nhiều đặc điểm riêng biệt do sản xuất bởi nhiều công ty khác nhau, tuỳ từng loại sẽ có thời gian lưu trữ trên da khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ:

  • Filler Volbella và Juvederm Voluma: Thời gian trung bình filler giữ được trên cơ thể là 12 tháng.
  • Filler Juvederm Vollure: Thời gian trung bình filler giữ được trên cơ thể là 12 hoặc 18 tháng
  • Filler Juvederm Ultra và Ultra Plus: Thời gian trung bình filler giữ được trên cơ thể là 12 tháng, tuy nhiên vẫn có trường hợp chỉ giữ được khoảng 6 – 9 tháng
  • Filler tơ Restylane: Thời gian trung bình filler giữ được trên cơ thể là 6 hoặc 10 tháng sau tiêm
  • Filler Restylane – L: Thời gian trung bình filler giữ được trên cơ thể là 5 – 7 tháng
  • Filler Restylane Defyne, Lyft và Refyne: Thời gian trung bình filler giữ được trên cơ thể là 12 tháng, tuy nhiên vẫn có trường hợp chỉ giữ được khoảng 6 – 9 tháng

Cũng có những dòng filler có tuổi thọ cao hơn, là những dòng bán bền vững với thành phần Polymethylmethacrylate (PMMA), Axit poly-L-lactic… Hay như silicon lỏng cũng được xem là filler vĩnh viễn không thể phân huỷ. Tuy nhiên, những sản phẩm này hiện không được các chuyên gia thẩm mỹ sử dụng bởi tỷ lệ rủi ro và biến chứng xảy ra cao.

Cơ địa của từng người

Đây là một yếu tố hầu như không thể thay đổi được. Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi khách hàng mà thời gian tiêm filler sẽ duy trì được bao lâu. Đây được xem là yếu tố khá chủ quan bởi vì tùy theo sức khỏe và thể chất của mỗi người hay tình trạng của làn da họ, dù khi được tiêm cùng một loại filler vào cùng một địa điểm, nhưng thời gian chúng tồn tại trên cơ thể mỗi người sẽ khác nhau.

3. Nguyên nhân khiến filler không tan?

Như đã nói ở trên, filler có thể tan đi một cách tự nhiên trung bình sau khoảng 6 – 18 tháng, mà không cần có sự bất kỳ tác động nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp filler trong thời gian dài, thậm chí là tiêm filler 2 năm không tan. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là do đâu?

Filler được tiêm vào cơ thể không có thành phần Acid Hyaluronic

Như vừa đề cập ở trên, filler được sử dụng phổ biến hiện nay có chứa axit Acid Hyaluronic (HA), là yếu tố quan trọng giúp filler tan tự nhiên trong cơ thể. Đối với trường hợp tiêm filler đã lâu nhưng không tan, khả năng cao là loại filler bạn sử dụng không có thành phần này hoặc một số cơ sở đã cố tình trộn chúng với các loại filler có thời gian tác dụng quá dài, thậm chí nguy hiểm hơn là silicon lỏng. Trong trường hợp này, tiêm tan filler không hết hết hoàn toàn hoặc không có hiệu quả như mong muốn sẽ xảy ra.

Sử dụng liều lượng filler quá nhiều

Đối với từng bộ phận trên cơ thể nói chung và khuôn mặt nói riêng đã được quy định cụ thể liều lượng filler phù hợp. Nếu liều lượng đưa vào vị trí đó nhiều hơn mức quy định thì có thể dẫn đến tình trạng filler không tan hết hoặc cần nhiều thời gian hơn mới có thể phân hủy hoàn toàn.

Loại filler được tiêm có chất lượng kém

Những loại filler giả, không rõ nguồn gốc với chất lượng kém không chỉ dẫn tới việc khiến filler khó tan mà còn dễ xảy ra các biến chứng như bầm tím, sưng tấy, vón cục. Do đó, khi lựa chọn các dịch vụ tiêm filler, khách hàng chớ vội tin những lời quảng cáo có cánh với những mức giá đưa ra cho một lần thực hiện quá rẻ.

Thực chất, số tiền bạn cần trả cho một liệu trình tiêm filler có thể dao động trong khoảng từ 10.000.000 – 30.000.000 VNĐ. Do vậy, mức giá quá rẻ hoặc chi phí làm đẹp bằng tiêm filler được quảng cáo là chỉ vài trăm ngàn đồng là phần lớn sai sự thật và hoàn toàn không có căn cứ.

Kỹ thuật tiêm filler không đúng

Kỹ thuật tiêm filler không chuẩn xác xuất phát từ trình độ chuyên môn của nhân viên thực hiện quy trình yếu kém hoặc không có chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của Bộ Y Tế. Nguyên nhân sâu xa là do sự phát triển quá nhanh của phương pháp tiêm filler cũng như quá trình thực hiện không quá phức tạp đã khiến nhiều cơ sở thẩm mỹ bất chấp cho phép những người không đủ trình độ thực hiện thủ thuật này, nhằm đáp ứng với nhu cầu và số lượng khách hàng đông đảo.

Lưu ý rằng, đây cũng là một thủ thuật dù không lớn nhưng vẫn có một mức độ xâm lấn nhất định. Nên chỉ cần một sơ xuất nhỏ như đưa mũi kim quá sâu, xác định vị trí tiêm sai, nắn bóp sai cách, tiêm lượng chất quá nhiều… là có thể khiến bệnh nhân xuất hiện biến chứng thẩm mỹ.

Dưới đây là một số biến chứng từ việc filler không tan tự nhiên:

  • Bị sưng tấy, mẩn đỏ do viêm hoặc nhiễm trùng
  • Da ngày càng tím tái, thâm đen
  • Hoại tử da về lâu dài
  • Đau nhức kéo dài
  • Filler bị tràn sang các khu vực khác có thể gây tắc nghẽn mạch máu, chèn ép thần kinh, biến dạng khuôn mặt và ảnh hưởng tới chức năng của các bộ phận cơ thể khác.

4. Xử lý filler không tan như thế nào?

Nếu gặp tình trạng tiêm filler không tan hãy tới cơ sở thẩm mỹ hay bệnh viện uy tín để kiểm tra và điều trị khắc phục. Thông thường, sẽ có những cách xử trí sau:

Tiêm chất làm tan filler

Đối với những trường hợp tiêm filler không tan nhưng chưa xuất hiện biến chứng viêm, nhiễm trùng hay không bị mưng mủ mà mới bị cứng hoặc nề nhẹ tại khu vực tiêm filler thì bác sĩ thường đề nghị tiêm tan filler cho bệnh nhân.

Thuốc tan filler là loại dược chất chứa thành phần chính là Hyaluronidase có khả năng phá hủy cấu trúc của Acid Hyaluronic (HA). Lượng Acid Hyaluronic (HA) sau đó sẽ được đào thải tự nhiên ra bên ngoài thông qua sự tiết mồ hôi và bài tiết. Thời gian để thuốc tan phát filler huy hiệu quả là sau 24 – 48h hoặc có thể kéo dài lâu hơn đến 3 – 5 ngày tùy vào cơ địa mỗi người. Để chắc chắn lượng filler đã tan hết, bệnh nhân cần quay lại tái khám sau 5 – 7 ngày kể từ lúc tiêm tan filler. Trong trường hợp bệnh nhân được tiêm tan filler không có đáp ứng tốt với thuốc, các bác sĩ buộc phải đưa ra hướng nạo vét filler.

Lưu ý rằng, tiêm tan filler chỉ có tác dụng với những trường hợp tiêm filler chứa Acid Hyaluronic (HA) hoặc các loại filler tạm thời. Còn trường hợp tiêm filler không chứa Acid Hyaluronic (HA) hoặc loại filler vĩnh viễn như silicon lỏng thì thủ thuật này không có tác dụng.

Sử dụng kỹ thuật nạo vét filler

Đối với những bệnh nhân tiêm tan filler không đáp ứng hoặc những đối tượng tiêm filler không chứa Acid Hyaluronic (HA), filler thuộc loại vĩnh viễn như silicon lỏng thì cần nạo vét filler ra ngoài để đảm bảo an toàn. Phương pháp này là một phẫu thuật can thiệp nhằm loại bỏ lượng filler tồn dư trong cơ thể.

Sau đó, bác sĩ sẽ làm sạch khu vực vừa loại bỏ filler, nếu khu vực cũ bị biến dạng, bác sĩ sẽ đồng thời tiến hành thủ thuật tạo hình lại khi cần thiết và dùng chỉ y khoa khâu lại vết mổ. Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các loại thuốc kháng sinh và kháng viêm để giảm thiểu quá trình viêm sưng và nhiễm trùng cho khách hàng. Hãy uống thuốc theo đúng hướng dẫn, đúng liều và đúng giờ, cơ thể sẽ hạn chế xuất hiện tình trạng phù nề hay những biến chứng nguy hiểm khác.

Ưu điểm của việc nạo vét filler là loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gây hại của filler. Tuy nhiên, nhược điểm là chi phí sửa chữa tương đối cao, kỹ thuật can thiệp khá phức tạp nên bắt buộc phải thực hiện tại các bệnh viện hoặc trung tâm thẩm mỹ uy tín.

Filler có thể tự tan một cách tự nhiên sau thời gian nhất định mà không cần bất cứ can thiệp nào. Tuy nhiên, tùy vào cơ địa và loại filler sử dụng, một số người vẫn gặp phải tình trạng chất làm đầy này không tan hoặc tan không hoàn toàn. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định việc tiêm tan filler hoặc phẫu thuật nạo vét filler. Do đó bạn hãy lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ cũng như bệnh viện uy túy với nhiều bác sĩ kinh nghiệm, kỹ thuật cao để thực hiện các quy trình này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *