Tiêm chất làm tan filler là 1 phương pháp được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân gặp biến chứng xấu từ việc tiêm filler. Vậy nhiều người lại đặt ra câu hỏi là tiêm filler có tự tan không và việc tiêm tan filler lúc này có thật sự cần thiết cho bệnh nhân hay không?
1. Tiêm tan filler là gì?
Tiêm tan filler là 1 giải pháp được chỉ định thực hiện cho những trường hợp khách hàng bị các biến chứng như vón cục, sưng viêm khiến khuôn mặt bị căng cứng sau tiêm filler hoặc bệnh nhân muốn đổi ý do kết quả sau tiêm filler không được như ý muốn, đường nét không hợp ý họ do filler trên da mất thẩm mỹ hoặc không tự nhiên.
Quy trình tiêm tan filler cũng giống như tiêm filler, chỉ khác ở chỗ thay vì trong tiêm filler là sử dụng chất làm đầy (phổ biến nhất là axit hyaluronic) thì tiêm tan filler sử dụng hoạt chất Hyaluronidase để làm tan biến lượng filler hiện có, giúp vùng điều trị sau khi được tiêm trở lại trạng thái trước khi điều trị.
Hyaluronidase là một loại enzyme protein hòa tan thường được sử dụng để phân hủy Axit hyaluronic – HA có trong chất làm đầy da (filler). Cơ chế này được hoạt động bằng cách phá vỡ các liên kết giữa các phân tử Axit hyaluronic – HA lại với nhau và khuyến khích cơ thể tái hấp thu các phân tử đó theo một quy trình tự nhiên mà cơ thể tự biết cách thực hiện. Cơ thể chúng ta thực hiện điều này bằng cách tăng tính thấm của mô, tách các liên kết phân tử giữ axit hyaluronic lại với nhau và thúc đẩy các quá trình tế bào tự nhiên chịu trách nhiệm cho sự khuếch tán của nó.
2. Khi nào cần tiêm tan filler?
Hiện nay, tiêm Filler đã và đang dần trở thành một xu hướng làm đẹp và được nhiều người không chỉ là phụ nữ mà còn được nam giới lựa chọn để thay thế những can thiệp thẩm mỹ. Nhưng cũng vì thế mà nhiều cơ sở thẩm mỹ hay cá nhân đã bán rẻ lương tâm để sử dụng các loại filler kém chất lượng và không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Do đó, tiêm tan Filler được xem là một biện pháp hỗ trợ khắc phục khi thực hiện tiêm filler bị hỏng.
Filler ngoài tác dụng giúp da căng bóng thông qua việc làm đầy các nếp nhăn, giúp da mịn màng hơn nó còn được sử dụng trong các thủ thuật tạo hình mũi, môi, cằm hoặc làm đầy má và thái dương… Tuy nhiên, khi khách hàng được tiêm filler kém chất lượng, không rõ nguồn gốc sẽ dễ dẫn đến tình trạng tràn filler dưới da, vón cục filler gây sưng phù, biến dạng và thậm chí còn gây hại đến hoại tử da. Ngoài ra, những ảnh hưởng xấu từ việc tiêm filler “dỏm” khi tiêm để xóa vết nhăn mắt có thể dẫn tới biến chứng rất nguy hiểm là mù lòa. Những biến chứng khác có thể gặp như má quá căng đầy gây đau nhức, sưng nề quanh mắt, mặt bị biến dạng quá mất tự nhiên, filler nổi cục, bầm tím dưới da, vết xanh đậm dưới hốc mắt, mờ mắt…Lúc này, việc tiêm tan filler được xem như là cách duy nhất nhằm điều trị khẩn cấp cho những biến chứng này.
Đồng thời, khi kỹ thuật viên ít kinh nghiệm hoặc tay nghề kém tiêm filler sẽ làm khuôn mặt cũng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng bên ngoài da như tắc động mạch, cục máu đông sau mắt, thay đổi mô da cạnh vùng tiêm, filler gây chèn ép mạch máu, sưng nề hoại tử mô. Lúc này bệnh nhân cần phải sử dụng phương pháp tiêm tan filler để giải quyết nhanh chóng tránh ảnh hưởng lên cả cơ thể.
Ngoài ra, trong trường hợp sau tiêm filler ra kết quả không ưng ý hoặc bệnh nhân cảm thấy không còn thích nữa thì cũng có thể sử dụng tiêm tan filler để đưa da về trở về dáng tự nhiên hoặc sửa chữa sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
3. Không tiêm tan filler có sao không?
Tiêm tan filler là một biện pháp nhằm hồi phục lại lớp da đã được tiêm filler nhưng không thỏa mãn nhu cầu của khách hàng hoặc để khắc phục tình trạng biến chứng sau khi tiêm filler hay nói cách khác là sau khi tiêm filler bị hỏng. Khi gặp phải những biến chứng nguy hiểm và có nguy cơ ảnh hưởng tại chỗ hoặc trên cả cơ thể thì bệnh cần phải tìm đến phương pháp tiêm tan filler để khắc phục nhanh chóng. Nếu không, bệnh nhân có thể gặp những ảnh hưởng trên toàn cơ thể, cụ thể là biến dạng hoàn toàn khuôn mặt, hoại tử da mặt, nhiễm trùng máu, tắc mạch máu…lúc này, hậu quả là hết sức nặng nề, điều trị rất khó khăn và đôi khi là không thể cứu chữa. Còn lại, nếu việc tiêm tan filler là vì nhu cầu hoặc cơ bản bệnh nhân không còn thấy thích nữa thì việc lựa chọn không tiêm tan filler và để chất filler tan tự nhiên có thể được nghĩ đến.
Thông thường, filler có thể tan được một cách tự nhiên và các loại filler khác nhau sẽ có xu hướng hòa tan tự nhiên với tốc độ khác nhau. Hầu hết các chất làm đầy da như Axit hyaluronic, kể cả Juvederm và Restylane, được sử dụng ở môi, đường viền hàm và m…sẽ được chuyển hóa tự nhiên và có thể tan đi hoàn toàn sau 6 tháng đến 1 năm. Trong khi, một chất filler khác là Sculptra có thể tiếp tục tồn tại trên khuôn mặt trong tối đa 2 năm.
Có một số loại filler môi tổng hợp tồn tại lâu hơn một năm, nhưng hầu như các bác sĩ thẩm mỹ sẽ không khuyến cáo bạn sử dụng chúng. Do bản chất của giải phẫu môi, chất liệu filler không phải lúc nào cũng được tiêm ở vị trí chính xác, ngoài ra những chất này có thể bị dịch chuyển theo thời gian, rất khó để duy trì vẻ ngoài mong muốn của bệnh nhân.
Hãy nhớ rằng hầu hết các loại filler sẽ có thể chuyển hóa và tan tự nhiên sau khoảng 6 – 9 tháng. Với những bệnh nhân không muốn thực hiện tiêm filler hay đơn giản là sợ việc tiêm chích quá nhiều trên cơ thể, kèm với những biến chứng không ảnh hưởng nhiều đến da cũng như cơ thể, họ có thể lựa chọn việc không tiêm tan filler và chờ đợi cho filler mất đi tự nhiên.
4. Những rủi ro khi tiêm tan filler
Một số rủi ro và biến chứng nhẹ của việc tiêm tan filler có thể khiến khách hàng cân nhắc hơn khi sử dụng phương pháp này. Ngay sau khi tiêm tan filler – Hyaluronidase vào những khu vực cần điều trị, bệnh nhân có thể bị bầm tím và sưng tấy ở mức độ nhẹ đến vừa. Những tác dụng phụ này sẽ được tự mất đi trong vòng 48 – 72 giờ, tùy thuộc vào khu vực và lượng chất làm đầy phải được hòa tan. Tuy nhiên, sẽ mất hai tuần để toàn bộ filler tan hết và ổn định trở lại một cách tự nhiên.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị đau nhức nhẹ, cảm giác châm chích khi tiêm tan filler và có thể hơi khó chịu và khó ăn uống hay cử động cơ mặt do tụ máu dưới da và sưng tấy. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ không còn cảm thấy đau nhức tại chỗ sau 24-48 giờ. Các rủi ro khác bao gồm đau và đỏ xung quanh chỗ tiêm, có thể mất 2 – 7 ngày để biến mất hoàn toàn, đặc biệt là xung quanh môi, nơi có ít thịt và da mềm.
Trước khi trải qua các phương pháp điều trị bằng filler mới, bệnh nhân nên đợi ít nhất 2 tuần. Lý do cho việc này là để đảm bảo rằng không còn bất kỳ vết sưng và bầm tím và da đã bình phục hoàn toàn.
Tóm lại, tiêm tan filler được xem 1 phương pháp đặc trị cho những tình huống bệnh nhân gặp các biến chứng của việc tiêm filler hay đơn giản chỉ là do bệnh nhân không còn thích giữ filler trên mặt nữa. Nhưng về cơ bản, các chất làm đầy trên da có thể tan được một cách tự nhiên và an toàn. Do đó, việc không tiêm tan filler có thể được cân nhắc trong các trường hợp bệnh nhân chỉ gặp những biến chứng nhỏ do tiêm filler.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.