Collagen là gì? 12 tác dụng của Collagen đối với sức khỏe và sắc đẹp

Collagen là một trong những thành phần “then chốt” trong các sản phẩm chăm sóc da, đặc biệt là các sản phẩm chống lão hóa. Vậy collagen là gì, có tác dụng gì mà được mà được ưa chuộng sử dụng đến vậy? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Chiaki để có thêm thông tin hữu ích, bạn nhé!

Collagen thường được biết đến với tác dụng nổi bật là chống lão hóa. Đây cũng là lý do tại sao trong các sản phẩm chăm sóc da, chống lão hóa, collagen luôn là thành phần thiết yếu không thể bỏ qua. Vậy ngoài tác dụng chống lão hóa, collagen còn có tác dụng gì hay collagen là gì mà có thể giúp chống lão hóa và mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe và làn da khác.

Bài viết được tham vấn y khoa từ Bác Sĩ Ưu Tú Phan Thanh Dần – Cố vấn sức khỏe tại Chiaki dưới đây sẽ mang đến một cái nhìn tổng quát về về loại Protein này.

1 Collagen là gì?

Collagen là một loại protein có nhiều nhất trong cơ thể con người, được tạo thành từ các acid amin như glycine, proline và hydroxyproline. Collagen có cấu trúc đặc trưng với ba sợi xoắn lại với nhau, tạo nên khung cấu trúc cho các tế bào da, cơ, xương, gân, sụn và dây chằng, cũng như các mô liên kết khác trong cơ thể; giúp

Theo thời gian, quá trình lão hóa tự nhiên làm collagen trong cơ thể bị phân hủy và khả năng của nguyên bào sợi trong việc sản xuất và duy trì collagen cũng suy giảm. Kết quả là, tốc độ sản xuất collagen giảm dần, mất đi khoảng 1% mỗi năm sau tuổi 20, dẫn đến các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, da chùng nhão và giảm độ đàn hồi.

Ngoài quá trình lão hóa tự nhiên thì các yếu tố như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, hút thuốc, lạm dụng rượu bia, thiếu ngủ và thiếu tập thể dục cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất collagen của cơ thể, làm hỏng các sợi collagen.

Collagen là một loại protein có nhiều nhất trong cơ thể con người

2 Phân loại collagen

Collagen là loại protein dồi dào nhất trong cơ thể với khoảng 28 loại đã được xác định và được chia thành 5 loại chính:

  • Loại I: Chiếm khoảng 90% lượng collagen trong cơ thể, có mặt ở da, xương, gân, dây chằng, răng và mô liên kết. Cung cấp khả năng chống lại lực, sức căng và độ giãn, mang lại sức mạnh và độ bền cho các mô. Loại collagen này chủ yếu liên quan đến sự lão hóa của da, xuất hiện nếp nhăn và đường nhăn.
  • Loại II: Được tìm thấy chủ yếu trong sụn khớp và đĩa đệm. Tạo nên sụn linh hoạt, hỗ trợ khớp, có tác dụng trong việc giảm đau khớp và duy trì sức khỏe sụn.
  • Loại III: Có mặt trong các cơ quan như mạch máu, cơ bắp, nội tạng và đặc biệt nhiều trong ruột. Hỗ trợ cấu trúc và chức năng của các cơ quan nội tạng, giúp duy trì sự đàn hồi và sức mạnh của các mạch máu và mô cơ.
  • Loại IV: Loại này ít phổ biến hơn các loại collagen từ I đến III, được tìm thấy trong các lớp da. Đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc màng nền, giúp tạo nên nền tảng cho các lớp tế bào da và duy trì sự ổn định của màng tế bào.
  • Loại V: Có trong giác mạc của mắt, một số lớp da, tóc và mô của nhau thai. Đóng vai trò trong việc duy trì cấu trúc và chức năng của giác mạc, hỗ trợ các lớp da và tóc, duy trì sức khỏe của mô nhau thai.

Collagen được chia thành 5 loại chính

3 Vai trò của collagen đối với cơ thể

Collagen chiếm khoảng 25% lượng protein tổng thể, đóng nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Đầu tiên, collagen là chất kết dính giữ cho xương, da, cơ, gân và dây chằng gắn kết lại với nhau. Nếu thiếu collagen, cơ thể sẽ trở thành các phần phân tách rời rạc. Collagen được tìm thấy trong mô liên kết, da, gân, xương và sụn, hỗ trợ cấu trúc cho các mô và đóng vai trò quan trọng trong các quá trình tế bào như:

  • Sửa chữa mô: Collagen hỗ trợ quá trình tái tạo và sửa chữa các mô bị tổn thương, là thành phần chính giúp các vết thương lành lại, tái tạo da mới và các mô liên kết bị tổn thương.
  • Đáp ứng miễn dịch: Collagen đóng vai trò trong đáp ứng miễn dịch bằng cách duy trì sự toàn vẹn của hàng rào da và mô, ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác.
  • Thông tin tế bào: Collagen có vai trò trong việc truyền tín hiệu giữa các tế bào, giúp điều chỉnh sự phát triển, phân chia và chức năng của các tế bào.
  • Di cư tế bào: Collagen tham gia vào quá trình di cư tế bào, một quá trình cần thiết để duy trì mô và thực hiện các chức năng sinh học quan trọng, chẳng hạn như phát triển và chữa lành vết thương.

Các tế bào mô liên kết gọi là nguyên bào sợi tạo và duy trì collagen. Khi chúng ta già đi, collagen bị phân mảnh, chức năng của nguyên bào sợi giảm, quá trình sản xuất collagen cũng chậm lại. Kèm theo là sự mất đi một loại protein cấu trúc quan trọng khác gọi là elastin, dẫn đến các dấu hiệu lão hóa như da chảy xệ và nếp nhăn. Collagen không chỉ giúp duy trì vẻ ngoài trẻ trung mà còn đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của nhiều hệ thống và cơ quan trong cơ thể.

4 Collagen có tác dụng gì?

Những tác dụng nổi bật của collagen bao gồm:

1. Cải thiện sức khỏe làn da

Collagen đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe, độ đàn hồi và hydrat hóa của làn da. Khi cơ thể lão hóa, quá trình sản xuất collagen giảm dần, dẫn đến sự phân mảnh của các sợi collagen, làm cho da trở nên mỏng hơn, yếu hơn và dễ hình thành nếp nhăn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài của làn da mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da, như chậm lành vết thương và ung thư da. 

Một nghiên cứu năm 2014 được công bố trên tạp chí Clinical Interventions in Aging (Can thiệp lâm sàng trong lão hóa) cho thấy 15% những người dùng thực phẩm bổ sung làm đẹp collagen dạng lỏng có bổ sung vitamin và khoáng chất có ít đường nhăn và nếp nhăn hơn sau 60 ngày. Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng 32% có sự cải thiện về tình trạng lão hóa do ánh nắng (lão hóa do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời) và 39% giảm tình trạng khô da.

Các nhà nghiên cứu Đức cũng đã tìm thấy sự cải thiện “có ý nghĩa thống kê” về độ đàn hồi của da và ảnh hưởng tích cực đến độ ẩm và mức độ hydrat hóa của da ở những người sử dụng chất bổ sung collagen thủy phân. 

Một nghiên cứu khác trên tạp chí Skin Pharmacology and Physiology (Da Dược và Sinh lý học ) cho thấy nếp nhăn ở mắt giảm 20% sau 8 tuần bổ sung collagen.

Nghiên cứu gần đây hơn từ năm 2019, được công bố trên tạp chí Skin Pharmacology and Physiology cho thấy sự cải thiện đáng kể về độ ẩm, độ đàn hồi và mật độ của da sau 12 tuần uống collagen. 

Nhìn chung, những tác dụng tích cực mà collagen có thể mang đến cho làn da bao gồm: giảm nếp nhăn, tăng độ đàn hồi, cải thiện độ ẩm, hỗ trợ chữa lành vết thương và hạn chế lão hóa da.

Collagen giúp cải thiện sức khỏe làn da

>>Xem thêm:

2. Làm đẹp tóc và móng

Bằng cách cung cấp các dưỡng chất quan trọng như keratin, một protein chủ yếu trong cấu trúc của tóc và móng, collagen giúp tăng cường độ dày, độ bóng và độ mềm mại của tóc, đồng thời giảm thiểu tình trạng tóc khô và dễ gãy rụng. Đối với móng, việc bổ sung collagen cũng có thể giúp cải thiện độ chắc khỏe và độ dẻo dai, giảm nguy cơ gãy móng và tăng cường sự chắc khỏe của móng tay. 

Một nghiên cứu của Mỹ năm 2014 cho thấy tiềm năng mang lại lợi ích đáng kể của collagen đường uống đối với tóc và móng. Một loại thuốc bổ sung bằng đường uống bao gồm collagen (cùng với hyaluronic acid, peptide và lipid) đã được cung cấp hàng ngày cho 54 phụ nữ từ 26 đến 68 tuổi.

Kết quả cho thấy sự cải thiện đáng kể về tình trạng nứt móng và độ giòn của móng lên tới gần 80%, cũng như tình trạng tóc xỉn màu, khô tóc và mềm móng sau 8 tuần.

Một thử nghiệm dài hơn được thực hiện trong hơn 60 tuần cho thấy, chỉ sau 9 tháng, 100% người tham gia thấy sự cải thiện tình trạng khô tóc, xỉn màu và bong tróc móng so với dùng collagen trước và sau.

Các tác giả kết luận rằng “bổ sung dinh dưỡng làm đẹp bằng peptide và lipid – những thành phần cần thiết cho làn da, tóc và móng khỏe mạnh – cũng như axit hyaluronic và collagen, mang lại kết quả nhanh chóng, đáng kể và lâu dài”.

Collagen giúp làm đẹp tóc và móng

3. Hỗ trợ tiêu hóa

Trong một số nghiên cứu nhất định, collagen có chứa axit amin glycine, có khả năng thúc đẩy quá trình tiêu hóa bình thường và khỏe mạnh.

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng việc bổ sung 20g collagen peptide hàng ngày có thể giảm đầy hơi và cải thiện các triệu chứng tiêu hóa sau 6 tuần sử dụng. Collagen cũng có khả năng ảnh hưởng đến thành phần của hệ vi sinh vật đường ruột, tạo ra một môi trường cân bằng cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Từ đó giúp cải thiện khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp nâng cao sức khỏe tổng thể của hệ tiêu hóa.

Collagen hỗ trợ tiêu hóa

4. Cải thiện sức khỏe não bộ

Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể nào kiểm tra vai trò của việc bổ sung collagen đối với sức khỏe não bộ, nhưng một số người khi sử dụng collagen cho rằng nó có thể hỗ trợ cải thiện tâm trạng và giảm các triệu chứng lo âu.

Collagen là một loại protein quan trọng trong cơ thể, đóng vai trò trong nhiều quá trình sinh học khác nhau. Mặc dù collagen chủ yếu tập trung vào việc xây dựng và bảo vệ cấu trúc của da, xương, sụn và các mô khác, nhưng không loại trừ khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện, bao gồm cả sức khỏe não bộ.

Có một số giả thuyết cho rằng việc bổ sung collagen có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ thông qua việc cải thiện tình trạng tâm trạng và giảm căng thẳng. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể để chứng minh điều này, nhưng việc duy trì một cơ thể khỏe mạnh và cân bằng có thể có tác động tích cực đến tâm trạng và sức khỏe tinh thần tổng thể.

Collagen giúp cải thiện sức khỏe não bộ

5. Tốt cho mắt

Collagen loại V, một dạng kết tinh của collagen, tồn tại nhiều trong giác mạc và thủy tinh thể của mắt. Khi tuổi tác gia tăng, lượng collagen trong cơ thể giảm dần, điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt. Khi lượng collagen giảm, giác mạc có thể hoạt động kém hiệu quả hơn, gây ra các vấn đề về thủy lực và làm cho thủy tinh thể trở nên mờ đi do sự lão hóa của các chất amino. Điều này có thể gây ra các vấn đề như đục thủy tinh thể, ảnh hưởng đến khả năng nhìn của bạn.

Do đó, bổ sung collagen vào cơ thể đều đặn mỗi ngày cũng là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mắt. Bằng cách duy trì mức độ collagen đủ trong cơ thể, bạn có thể hỗ trợ sự linh hoạt và chức năng của giác mạc và thủy tinh thể, giảm nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến sức khỏe mắt và giữ cho thị lực của bạn được duy trì trong thời gian dài. 

Collagen tốt cho mắt

6. Giảm đau nhức xương khớp

Sụn, một loại mô chịu trách nhiệm bảo vệ khớp, được hình thành từ collagen và bắt đầu giảm đi khi chúng ta già đi. Điều này có nghĩa là khi tuổi tác tăng lên, chúng ta sẽ có nguy cơ mắc các chứng rối loạn khớp như viêm xương khớp cao hơn.

Nghiên cứu cho thấy việc bổ sung collagen có thể kích thích các mô trong cơ thể tạo ra nhiều sụn hơn, giúp bảo vệ và tái tạo khớp. Ngoài ra, một nghiên cứu được thực hiện bởi tạp chí Current Medical Research and Opinion (Nghiên cứu và Ý kiến ​​Y khoa Hiện tại) cho thấy rằng việc tiêu thụ 10g collagen mỗi ngày trong 24 tuần có thể giúp giảm mức độ đau khớp ở 73 vận động viên khi đi bộ và khi nghỉ ngơi, so với nhóm không sử dụng collagen. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của collagen trong việc duy trì sức khỏe khớp và giảm các vấn đề liên quan đến đau khớp khi tăng tuổi.

Collagen giúp giảm đau nhức xương khớp

7. Ngăn ngừa loãng xương

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy việc bổ sung collagen có thể giúp tăng sinh và phát triển tế bào sụn, đồng thời ức chế quá trình phân hủy xương, từ đó giúp ngăn chặn loãng xương, duy trì thành phần và sức mạnh của xương.

Trong một nghiên cứu khác năm 2018, việc bổ sung 5g peptide collagen có thể làm tăng mật độ khoáng xương ở cột sống thắt lưng và cổ xương đùi, đồng thời giảm thiểu tình trạng xương yếu và nguy cơ loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh.

Một nghiên cứu khác trên 66 phụ nữ sau mãn kinh đã chỉ ra rằng sau khi uống 5g collagen mỗi ngày trong 12 tháng, có sự gia tăng đáng kể lên đến 7% trong mật độ khoáng xương (BMD) – một chỉ số quan trọng về sức khỏe của xương.

Các kết quả này đã cho thấy vai trò của collagen trong việc duy trì và cải thiện sức khỏe xương, từ đó ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ của loãng xương. 

Collagen giúp ngăn ngừa loãng xương

8. Tăng khối lượng cơ bắp

Collagen được cho là có thể giúp tăng khối lượng cơ bắp và sức mạnh. Khoảng 1 đến 10% mô cơ trong cơ thể con người được tạo thành từ collagen, giúp cơ bắp duy trì sức khỏe và hoạt động bình thường. Theo nghiên cứu từ British Journal of Nutrition (Tạp chí Dinh dưỡng Anh), việc bổ sung collagen có thể đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển cơ bắp và thúc đẩy tạo ra các protein cơ bắp như creatine.

Tuy nhiên, collagen không nên được xem là thay thế cho nguồn protein chính từ thực phẩm như thịt, trứng, sản phẩm từ sữa, hạt và đậu nành. Một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng sẽ cung cấp nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng hơn cho cơ thể, luôn là ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng và duy trì khối lượng cơ bắp.

Collagen giúp tăng khối lượng cơ bắp

9. Tăng cường sức khỏe tim mạch

Việc bổ sung collagen cũng được cho là có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim. Một nghiên cứu của tạp chí Journal of Atherosclerosis and Thrombosis (Tạp chí Xơ vữa Động mạch và Huyết khối) vào năm 2017 đã ra rằng collagen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và bảo vệ cấu trúc động mạnh của chúng ta.

Động mạch chịu trách nhiệm bơm máu từ tim và đưa nó đi khắp cơ thể. Và việc thiếu hụt collagen có thể khiến động mạch trở nên yếu hơn theo thời gian. Collagen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tính linh hoạt và sức mạnh của thành cấu trúc động mạch, từ đó giảm nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến tim.

Trong một nghiên cứu khác với 30 người tham gia, một nửa sử dụng 16g tripeptide collagen trong 6 tháng cho thấy kết quả tình trạng cứng động mạch đã giảm đáng kể, đồng thời giảm lipoprotein mật độ thấp, tức là mức cholesterol xấu. 

Collagen giúp tăng cường sức khỏe tim mạch

10. Kích thích quá trình làm lành vết thương

Collagen cũng được biết đến với khả năng kích thích quá trình làm lành vết thương tự nhiên.  Khi được sử dụng sử dụng như một liệu pháp điều trị vết thương, collagen có khả năng kích thích sự hình thành và tái tạo của tế bào da, giúp cấu trúc da tự nhiên được bảo vệ và phục hồi. Đồng thời, collagen cũng khuyến khích sự phát triển của tế bào miễn dịch và nguyên bào sợi, hai yếu tố quan trọng trong quá trình lành vết thương. Nhờ vào khả năng này, collagen không chỉ giúp tăng tốc quá trình lành vết thương mà còn đảm bảo rằng vết thương được làm lành một cách mạnh mẽ và hiệu quả.

Collagen kích thích quá trình làm lành vết thương

11. Giảm cân

Collagen có thể giúp giảm cân thông qua một số cơ chế khác nhau. Một trong những cơ chế chính là khả năng tăng cường trao đổi chất. Collagen chứa các axit amin giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, từ đó có thể giúp cơ thể đốt cháy calo hiệu quả hơn và tiêu hao năng lượng.

Ngoài ra, collagen cũng có khả năng giúp giảm cảm giác đói và tăng cảm giác no lâu hơn, giúp kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ. Từ đó giúp giảm lượng calo tiêu thụ hàng ngày, đồng thời giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn.

Theo một nghiên cứu năm 2019 được công bố trên tạp chí Marine Drugs, một loại collagen cụ thể từ cá Skate có thể giúp giảm mỡ trong cơ thể ở người. Mặc dù cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định mối liên hệ giữa việc sử dụng collagen và việc giảm cân, nhưng các nghiên cứu sơ bộ đã đề xuất rằng collagen có thể đóng vai trò hữu ích trong quá trình giảm cân.

Collagen giúp giảm cân

12. Giảm thời gian phục hồi sau chấn thương 

Collagen có khả năng củng cố các mô liên kết và hỗ trợ cơ bắp trong quá trình hoạt động, điều này có thể dẫn đến việc giảm thời gian phục hồi sau chấn thương. 

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Amino Acids vào năm 2021 đã ủng hộ ý tưởng này. Nghiên cứu này kết luận rằng việc sử dụng 5-15g collagen hàng ngày có thể cải thiện chứng đau và chức năng của khớp, đồng thời cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong quá trình phục hồi cơ bắp. Điều này cho thấy collagen có thể giúp hỗ trợ quá trình phục hồi sau chấn thương, giảm thời gian cần thiết để cơ thể hồi phục sau tập luyện hoặc chấn thương.

5 Cách bổ sung collagen cho cơ thể

Bổ sung collagen qua thực phẩm tự nhiên

Bổ sung collagen thông qua thực phẩm là một phương pháp tự nhiên và hiệu quả để tăng cường lượng collagen trong cơ thể. Collagen được tìm thấy ở tất cả các loài động vật, tập trung nhiều ở các bộ phận như da và khớp. 

  • Xương, da và dây chằng của động vật: Da gà và khuỷu heo là những nguồn cung cấp collagen dồi dào.
  • Hải sản: Một số loại như da cá và sứa cũng chứa lượng lớn collagen.
  • Các sản phẩm làm từ các bộ phận của động vật: Nước hầm xương từ xương và dây chằng là nguồn cung cấp collagen rất tốt.

Ngoài việc tiêu thụ thực phẩm giàu collagen, việc bổ sung các loại axit amin và các thành phần dinh dưỡng khác cũng giúp sản xuất và duy trì collagen trong cơ thể. Bao gồm:

  • Vitamin C: Giúp kích thích tổng hợp collagen. Các thực phẩm giàu vitamin C bao gồm cam quýt, dâu tây, ớt chuông, bông cải xanh và quả mọng.
  • Axit amin proline: Tìm thấy trong nấm, bắp cải, măng tây, đậu phộng, lúa mì, cá, lòng trắng trứng và các sản phẩm bơ sữa.
  • Axit amin glycine: Có trong thịt đỏ, gà tây, da gà, thịt lợn, đậu phộng.
  • Đồng: Tìm thấy trong gan, tôm hùm, hàu, nấm hương, các loại hạt, rau xanh, đậu phụ, sô cô la đen và thịt nội tạng.
  • Kẽm: Có trong hàu, thịt đỏ, thịt gia cầm, thịt lợn, đậu, đậu xanh, các loại hạt, bông cải xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa.
  • Mangan: Tìm thấy trong trà, quả hạch, rau xanh, ngũ cốc và bánh mì.

Bằng cách kết hợp các thực phẩm giàu collagen và các chất dinh dưỡng hỗ trợ tổng hợp collagen vào chế độ ăn uống hàng ngày, bạn có thể giúp cơ thể duy trì và tăng cường lượng collagen một cách tự nhiên.

Bổ sung collagen cho cơ thể qua thực phẩm tự nhiên

Bổ sung collagen qua thực phẩm chức năng

Bổ sung collagen bằng các thực phẩm chức năng là một giải pháp tiện lợi và hiệu quả để tăng cường lượng collagen trong cơ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi loại thực phẩm chức năng có thể chứa lượng collagen khác nhau, đi kèm với những ưu nhược điểm khác nhau khi bổ sung vào cơ thể. Dưới đây là một số dạng bổ sung collagen phổ biến:

  • Gelatin: Đây là một dạng collagen đã được nấu chín và sau đó làm khô. Gelatin thường được sử dụng trong nấu ăn và làm bánh.
  • Viên nang collagen: Các viên nang chứa collagen thường được yêu thích bởi sự tiện lợi khi sử dụng và dễ dàng đo lường liều lượng collagen bổ sung. 
  • Bột collagen peptide: Dễ dàng pha trộn vào đồ uống hoặc thực phẩm. Collagen peptide thường có khả năng hấp thụ tốt hơn do đã được thủy phân.
  • Bột protein collagen: Tương tự như bột collagen peptide, nhưng có thể chứa thêm các chất dinh dưỡng khác để hỗ trợ và tăng cường sức khỏe.
  • Collagen lỏng: Dạng collagen này thường được đóng gói trong các chai nhỏ và dễ dàng mang theo, hấp thụ nhanh chóng vào cơ thể.
  • Nước uống collagen: Một dạng nước uống có bổ sung collagen, thường được kết hợp với các vitamin và khoáng chất khác để hỗ trợ da và sức khỏe tổng thể.
  • Collagen biển: Loại collagen được chiết xuất từ da cá.

Điều quan trọng cần lưu ý là các sản phẩm collagen thường được chiết xuất từ da và xương của động vật như bò và lợn, điều này có thể không phù hợp với người ăn chay, ăn kiêng hoặc theo các tôn giáo không ăn thịt. Trong những trường hợp này, collagen biển hoặc các sản phẩm thay thế từ thực vật có thể là lựa chọn tốt hơn.

Khi chọn các thực phẩm chức năng bổ sung collagen, bạn cũng cần lưu ý lựa chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín và có chứng nhận chất lượng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Bổ sung collagen cho cơ thể qua thực phẩm chức năng

6 Các yếu tố làm giảm lượng collagen trong cơ thể

Tuổi tác

Theo thời gian, khi tuổi tác ngày càng tăng cao, cùng với sự già đi của cơ thể, việc sản xuất collagen tự nhiên cũng có xu hướng suy giảm. Đồng thời, collagen cũng trở nên phân mảnh và phân bố lỏng lẻo hơn. Dẫn đến các dấu hiệu lão hóa phổ biến như xuất hiện nếp nhăn, khô da và da chảy xệ.

Ngoài ra, các nghiên cứu về bệnh loãng xương cũng cho thấy tính toàn vẹn của collagen trong hệ thống xương giảm dần theo tuổi tác, dẫn đến giảm sức khỏe xương. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gãy xương và các vấn đề liên quan đến xương khác, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Tuổi tác tăng cao làm giảm lượng collagen trong cơ thể

Ngủ không đủ giấc, căng thẳng

Một giấc ngủ ngon và sâu và điều cần thiết giúp cơ thể sản sinh thêm các tế bào mới và duy trì quá trình sản xuất collagen. Khi không ngủ đủ giấc, hệ miễn dịch có thể bị ảnh hưởng và quá trình sản xuất collagen cũng bị chậm lại. Thiếu ngủ cũng làm tăng tiết hormone cortisol, một loại hormone gây phá vỡ collagen, dẫn đến da nổi mụn và xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn.

Ngoài ra, căng thẳng quá mức cũng kích hoạt quá trình viêm và tăng hormone cortisol, góp phần làm giảm khả năng sản sinh collagen tự nhiên trong cơ thể. 

Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia

Hút thuốc lá và tiêu thụ rượu bia đều có tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất collagen và sức khỏe của da. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy người hút thuốc có ít sợi collagen và sợi đàn hồi ở lớp hạ bì, khiến da chảy xệ, nhiều nếp nhăn, cứng và kém đàn hồi hơn. Hút thuốc cũng làm hỏng cơ chế sửa chữa của da và ngăn chặn quá trình tổng hợp collagen, gây lão hóa và giảm độ đàn hồi của da.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác năm 2019 cho thấy việc tiêu thụ rượu bia quá mức có thể gây tổn thương mô và giảm khả năng sản xuất collagen loại I của nguyên bào sợi da. Từ đó khiến da dễ bị cháy nắng và nhanh lão hóa nhanh hơn. 

Tiêu thụ nhiều đường và tinh bột

Tiêu thụ nhiều đường và tinh bột có thể dẫn đến tình trạng dư thừa đường trong cơ thể. Lượng đường dư này có thể gắn vào protein, tạo thành các sản phẩm cuối cùng của quá trình đường hóa (AGEs), làm suy yếu và phá vỡ cấu trúc các sợi collagen và elastin. Đây là những sợi protein quan trọng mang lại cho làn da vẻ căng mọng, mịn màng và tươi trẻ.

Quá trình đường hóa khiến da trở nên sạm màu và kém mịn màng, dẫn đến da chảy xệ và xuất hiện nếp nhăn. Ngoài ra, đường hóa cũng làm tăng các dấu hiệu lão hóa da và làm trầm trọng thêm các vấn đề về da như mụn trứng cá,  da sần vỏ cam (cellulite) và bệnh rosacea.

Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Theo nghiên cứu, việc tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời cũng có thể làm suy giảm sản xuất collagen và khiến collagen ngoại bào bị phân mảnh, dẫn đến giảm sức khỏe làn da. Từ đó làm tăng nguy cơ hình thành nếp nhăn và làm giảm độ đàn hồi của da. Hơn nữa, tia UV từ ánh nắng mặt trời còn gây tổn thương DNA trong tế bào da, làm tăng nguy cơ phát triển của khối u và các loại ung thư da. Do đó, việc bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách sử dụng kem chống nắng, đeo kính râm và mặc quần áo bảo hộ là rất quan trọng để duy trì làn da khỏe mạnh và ngăn ngừa lão hóa sớm.

Bệnh lý tự miễn

Các bệnh lý tự miễn như lupus, viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ địa,… cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm lượng collagen trong cơ thể. Bệnh lý tự miễn kích hoạt hệ miễn dịch tấn công các mô của chính cơ thể, bao gồm cả các sợi collagen. Kết quả là quá trình sản xuất collagen bị gián đoạn và sợi collagen hiện có bị phá hủy, dẫn đến giảm lượng collagen tổng thể. 

7 Tác dụng phụ thường gặp khi bổ sung collagen

Bên cạnh những lợi ích tốt cho sức khỏe và làn da, việc bổ sung collagen cũng có thể tiềm ẩn một số tác dụng không mong muốn như: Tiêu chảy, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, đầy hơi và phát ban.

Ngoài ra, các thành phần bổ sung thêm trong các sản phẩm collagen cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây rủi ro cho sức khỏe như:

  • Chiết xuất thảo dược: Có thể tương tác với các loại thuốc kê đơn và một số có thể không an toàn cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
  • Chứa các chất dinh dưỡng khác: Chẳng hạn như biotin có thể cản trở phản ứng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm về chức năng tim và tuyến giáp.

Do đó, trước khi sử dụng bất cứ sản phẩm bổ sung collagen nào, tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thêm hướng dẫn bổ sung phù hợp nhu cầu và tình trạng sức khỏe của bản thân. Đồng thời, luôn đảm bảo mua thực phẩm bổ sung từ nguồn uy tín để hạn chế các rủi ro từ collagen chứa kim loại nặng hoặc các chất độc khác có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Bổ sung collagen có thể gây phát ban ở một số người

8 Lưu ý khi sử dụng collagen

Hàm lượng bổ sung collagen mỗi ngày

Hàm lượng collagen tự nhiên trong cơ thể giảm 1 – 1.5% mỗi năm kể từ khi trưởng thành. Do đó, việc bổ sung collagen vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày là cần thiết để duy trì hàm lượng collagen ổn định cho cơ thể.

Một đánh giá năm 2019 đã đề xuất các liều lượng phù hợp cho người lớn, từ 2.5 – 15g peptide collagen thủy phân mỗi ngày để đạt được hiệu quả mong muốn mà vẫn đảm bảo an toàn. Tùy thuộc vào mục tiêu sức khỏe cụ thể, bạn có thể điều chỉnh liều lượng collagen bổ sung như sau:

  • Cải thiện sức khỏe khớp: Mỗi ngày bổ sung 10 – 40mg collagen không biến tính.
  • Giảm đau khớp, cải thiện làn da và hydrat hóa: Mỗi ngày bổ sung 2.5g collagen.
  • Cải thiện mật độ xương và ngăn ngừa loãng xương: Mỗi ngày bổ sung 5g collagen chelate kết hợp với 500 mg canxi nguyên tố và 200IU vitamin D.
  • Tăng khối lượng và sức mạnh cơ bắp: Mỗi ngày bổ sung 15g collagen peptide.

Tuy nhiên để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào.

Thời gian bổ sung collagen 

Tương tự như các sản phẩm bổ sung khác, việc bổ sung collagen thường đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định trước khi bạn có thể nhận thấy các kết quả đáng kể. Dựa vào các nghiên cứu và trải nghiệm thực tế, thời gian cụ thể để nhận thấy hiệu quả có thể khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu sức khỏe cụ thể:

  • Đối với sức khỏe da và giảm đau khớp: Cần ít nhất 8 tuần (tức là 2 tháng) để thấy thay đổi.
  • Đối với sức khỏe xương: Thường cần thời gian dài hơn, khoảng 12 tháng để đạt được kết quả mong đợi.

Thời gian bổ sung collagen cụ thể cho các mục tiêu khác nhau như sau:

  • Da: Cần từ 4 đến 12 tuần (tức là 1 đến 3 tháng).
  • Khối lượng và sức mạnh cơ bắp: Thường cần khoảng 3 tháng, đặc biệt khi kết hợp với việc tập luyện sức đề kháng.
  • Giảm đau nhức sau tập luyện thể chất: Có thể cảm nhận được trong vài ngày.
  • Hỗ trợ sức khỏe tổng thể: Thường cần từ 4 đến 6 tháng.
  • Hỗ trợ gân (kết hợp với tập thể dục tăng cường): Cần khoảng từ 3 đến 6 tháng.
  • Hỗ trợ mật độ xương: Đòi hỏi thời gian dài nhất, khoảng 12 tháng.
  • Tóc và móng tay: Thời gian cụ thể không rõ ràng và có thể khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người.

Thời gian bổ sung collagen có thể thay đổi tùy theo từng mục tiêu

Ai không nên bổ sung collagen

Bổ sung collagen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải là giải pháp phù hợp với tất cả mọi người. Dưới đây là một số trường hợp nên cân nhắc trước khi sử dụng sản phẩm chứa collagen tránh những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe:

  • Người mắc bệnh viêm loét dạ dày: Collagen có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày, gây kích thích và làm tổn thương niêm mạc dạ dày, do đó không phù hợp cho những người có vấn đề về viêm loét dạ dày.
  • Phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Việc bổ sung collagen trong giai đoạn này cần phải được thảo luận với bác sĩ, vì hiện chưa có đủ thông tin về an toàn của việc sử dụng collagen trong thời kỳ thai kỳ và cho con bú.
  • Người đang dùng thuốc đặc trị: Collagen có thể tương tác với một số loại thuốc đặc trị, do đó cần thảo luận với bác sĩ hoặc nhà điều trị trước khi sử dụng.
  • Người chưa đủ 20 tuổi: Do cơ thể vẫn đang trong quá trình phát triển, việc sử dụng collagen cần được cân nhắc cẩn thận và tốt nhất là nên sử dụng dưới sự giám sát của chuyên gia y tế.
  • Người bị huyết áp thấp: Collagen có thể làm giảm huyết áp, do đó không phù hợp cho những người có vấn đề về huyết áp thấp.
  • Người bệnh thận mạn tính: Collagen có thể tạo ra các chất phụ gia có thể gây áp lực lên hệ thống thận, do đó không phù hợp cho những người có bệnh thận mạn tính.

9 Một số câu hỏi thường gặp khi sử dụng collagen

Những bệnh không nên uống collagen?

Những bệnh không nên uống collagen bao gồm: viêm loét dạ dày, huyết áp thấp và bệnh thân mạn tính. Ngoài ra, người đang sử dụng thuốc đặc trị bệnh khác cũng cần tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi bổ sung collagen để tránh những tương tác thuốc không mong muốn.

Người mắc bệnh viêm loét dạ dày, huyết áp thấp và bệnh thân mạn tính không nên uống collagen

Collagen làm từ gì?

Collagen là một loại protein cấu trúc quan trọng được tìm thấy rộng rãi trong cơ thể con người và các loài động vật khác. Nó là một thành phần chính của da, xương, sụn, răng và tóc, giúp cấu trúc và hỗ trợ các mô và cơ quan này.

Collagen được tổng hợp từ các amino acid, đặc biệt là glycine, proline và hydroxyproline. Quá trình tổng hợp collagen diễn ra trong các tế bào gọi là fibroblast và osteoblast, tùy thuộc vào loại mô cụ thể.

Collagen cũng có thể được chiết xuất và sản xuất từ các nguồn tự nhiên như da và xương của động vật như bò, lợn hoặc cá. Sau khi chiết xuất, collagen có thể được chế biến thành các dạng khác nhau như viên nang, bột, gelatin, nước uống hay các sản phẩm chăm sóc da.

Uống collagen có tác dụng gì cho phụ nữ?

Những tác dụng nổi bật của collagen với phụ nữ bao gồm:

  • Cải thiện sức khỏe làn da, ngăn ngừa lão hóa.
  • Giảm đau do viêm khớp
  • Ngăn ngừa xương yếu, dễ gãy
  • Tăng cường khối lượng cơ bắp, giảm mỡ thừa
  • Tăng cường sức khỏe tim mạch
  • Giúp tóc và móng chắc khỏe hơn
  • Tăng cường thị lực
  • Giảm triệu chứng thời kỳ mãn kinh và các bệnh lý thường gặp ở phụ nữ.

Uống collagen giúp cải thiện sức khỏe làn da, ngăn ngừa lão hóa cho phụ nữ

Collagen có trong thực phẩm nào?

Các thực phẩm giàu collagen bao gồm:

  • Nước hầm xương
  • Cá và động vật có vỏ
  • Thịt gà
  • Trứng
  • Tảo biển

Ngoài ra, có một số thực phẩm khác cũng có thể thúc đẩy sản xuất collagen bao gồm trái cây họ cam quýt (cam, bưởi, chanh,…), quả mọng (quả mâm xôi, quả việt quất,…), trái cây nhiệt đới (xoài, kiwi, dứa,…), tỏi, rau xanh, hạt điều các loại hạt, cà chua và ớt chuông. 

Viên uống collagen là gì?

Viên uống collagen là sản phẩm bổ sung collagen được sản xuất dưới dạng viên nang hoặc viên dạng nén để dễ dàng sử dụng. Các viên uống collagen thường được làm từ collagen thủy phân hoặc peptide collagen, đây là các dạng collagen dễ hấp thụ hơn cho cơ thể. Viên uống collagen thường được sử dụng để hỗ trợ sức khỏe của da, tóc, móng, khớp và xương, cũng chống lại các dấu hiệu lão hóa. 

Collagen Peptide là gì?

Collagen peptide hay còn được gọi là collagen thủy phân, là dạng collagen được chia thành các chuỗi axit amin ngắn hơn từ collagen gốc. Điều này làm cho collagen peptide dễ dàng hấp thụ hơn và có tính sinh học cao hơn so với các dạng collagen khác. Kích thước nhỏ của các chuỗi axit amin trong collagen peptide giúp cho quá trình hấp thụ vào cơ thể diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Khi được tiêu thụ, collagen peptide có thể lan tỏa khắp cơ thể, hỗ trợ trong việc tái tạo, sửa chữa và cung cấp năng lượng cho các mô và tế bào. Khả năng dễ dàng hấp thụ và tính sinh học cao của collagen peptide giúp nó trở thành một nguồn collagen phổ biến được sử dụng trong nhiều sản phẩm làm đẹp và chăm sóc sức khỏe.

Collagen peptide là dạng collagen được chia thành các chuỗi axit amin ngắn hơn từ collagen gốc

1 liệu trình uống collagen là bao lâu?

Lời khuyên từ các chuyên gia, việc uống collagen theo liệu trình có thể mang lại hiệu quả tốt hơn. Theo đó, 1 liệu trình uống collagen sẽ kéo dài khoảng 2-3 tháng, sau đó nên có khoảng thời gian nghỉ ít nhất 1-2 tháng trước khi bắt đầu một liệu trình mới.

Ngoài ra, nên lưu ý rằng việc sử dụng collagen không chỉ cần có một lần duy nhất mà là một quá trình liên tục và đều đặn để duy trì và cải thiện sức khỏe của cơ thể. Để đạt được kết quả tốt nhất từ việc sử dụng collagen, việc duy trì một chế độ ăn uống cân đối và lối sống lành mạnh cũng là rất quan trọng.

Trên đây là những chia sẻ từ Chiaki về collagen. Mong rằng với những chia sẻ trong bài viết, các bạn không chỉ tìm được lời đáp cho câu hỏi collagen là gì, collagen có tác dụng gì mà còn có thêm những thông tin hữu ích khi bổ sung collagen giúp tận dụng tối đa các lợi ích của collagen, đồng thời tránh những ảnh hưởng không mong muốn có thể xảy ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *