Sẹo mụn là một bất thường về cấu trúc da khiến nhiều người phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để chữa trị. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giúp điều trị sẹo mụn hiệu quả, trong đó lăn kim là một biện pháp được rất nhiều người ưa chuộng. Vậy lăn kim trị mụn là gì và hiệu quả của hình thức điều trị này ra sao?
1. Lăn kim là gì?
Lăn kim là một hình thức trị liệu giúp kích thích tái tạo Collagen bằng cách sử dụng một thiết bị được gọi là Dermaroller. Phương pháp này chỉ định trong trường hợp da bị mụn sẹo, bị sẹo, da bị lão hóa hay da có nếp nhăn…nhằm khắc phục khuyết điểm trên da một cách tự nhiên và an toàn nhất.
Cơ chế điều trị của lăn kim dựa trên phản ứng tự làm lành của da. Thiết bị sử dụng thường là Dermaroller được cấu tạo từ hàng ngàn đầu kim có kích thước rất nhỏ. Khi xâm nhập vào da, chúng chỉ đủ để tạo các kích thích thần kinh giống như kích thích vết thương mà không làm phá vỡ sâu cấu tạo của các mô và lớp màng của da cũng không bị thay đổi. Những tín hiệu thần kinh này sẽ kích thích giúp tăng sinh tế bào mới, nguyên bào sợi sẽ chuyển thành sợi Collagen và Elastin. Sự hình thành các sợi tế bào mới sẽ giúp làm đầy các vết sẹo mụn.
Những bệnh nhân thường được chỉ định sử dụng lăn kim:
- Làn da sẹo rỗ thông thường hoặc sẹo rỗ lâu năm.
- Sẹo mụn
- Da bị mụn đầu đen, da xuất hiện vết nhăn, da thâm nám, da lão hóa, vết chân chim.
Những bệnh nhân cần tuyệt đối cẩn thận khi lăn kim:
- Sẹo lồi
- Eczema, mụn đang sưng, các tình trạng da mãn tính khác
- Đái tháo đường
- Mụn cóc, nốt ruồi nổi
- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú
Những bệnh nhân tuyệt đối không nên lăn kim:
- Xơ cứng bì
- Bệnh máu không đông hay xuất huyết giảm tiểu cầu
- Bệnh mạch máu collagen
- Vấn đề về tim mạch
- Suy giảm miễn dịch
- Da đang bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm
- Sẹo mới (dưới 6 tháng)
2. Ưu điểm và nhược điểm của biện pháp lăn kim
Ưu điểm
- Loại bỏ được những tế bào da xỉn màu đồng thời giúp cơ thể tự sản sinh ra tế bào mới.
- Nhiều người thắc mắc rằng lăn kim trị thâm mụn có đau không. Câu trả lời là không, việc sử dụng các loại kim đầu rất nhỏ sẽ giúp hạn chế và hầu như không gây cảm giác đau đớn trên da.
- Sử dụng kim lăn sẽ tương tự như vật liệu dẫn thuốc vào trong da, giúp nâng cao kết quả điều trị. Hình thức này sẽ đưa tế bào gốc, huyết tương giàu tiểu cầu, Vitamin…đi vào trong da để nuôi dưỡng, từ đó tái tạo tế bào da thông qua những lỗ thủng nhỏ trên bề mặt da.
- Lăn kim là phương pháp có chi phí khá thấp hơn so với các phương pháp điều trị khác như tiêm cấy, phi kim, chiếu Laser, phẫu thuật…
Nhược điểm
- Đây là một phương pháp điều trị xâm lấn, hoạt động theo hình thức thủ công và hoàn toàn phụ thuộc vào tay nghề của người thực hiện.
- Phải thực hiện nhiều lần lăn kim mới đạt được hiệu quả mong muốn, do đó đây là nhược điểm đối với người không có thời gian nhưng vẫn mong muốn nhìn thấy được kết quả sớm.
- Dễ gặp biến chứng, bao gồm:
- Tình trạng mụn trên da tồi tệ hơn, bị nổi mụn nhiều hơn, lây lan khắp da mặt sau khi thực hiện lăn kim.
- Da bị ngứa, sưng đỏ, nổi mẩn hoặc có thể gặp phải hiện tượng nhiễm khuẩn.
- Da sạm, rám da, tăng sắc tố vì đôi khi những người chưa có kỹ năng có thể làm tổn thương sâu trên da qua các đầu kim lăn sắc nhọn.
- Các bệnh về da hoặc bệnh toàn thân nếu không được thăm khám và chỉ định phù hợp có thể dẫn đến lây nhiễm vi khuẩn, vi rút, đặc biệt là HIV/AIDS, hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.
- Không thể loại bỏ hiệu quả tận gốc sẹo xơ cứng, sẹo lâu năm trên da.
3. Tác dụng khác lăn kim
Ngoài hiệu quả trong điều trị sẹo mụn, phương pháp này còn có tác dụng
- Lăn kim trị mụn giúp kích nhân mụn dưới da, mụn ẩn lên, nhân mụn được xử lý triệt để và tránh tái phát. Các loại mụn mà lăn kim có thể giải quyết tốt là mụn trứng cá thông thường, mụn đầu đen, mụn bọc, mụn cám… Đối với những loại mụn viêm da nặng, mụn mủ cần phải được xử lý bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm trước khi lăn kim.
- Lăn kim có thể trị nám và tàn nhang vì những đầu kim có thể tác động sâu vào tận gốc nám và tàn nhang để phá vỡ các hắc sắc tố melanin, sau đó đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Đồng thời, cơ chế tăng sinh Collagen của lăn kim cũng phát huy tác dụng giúp tái tạo và làm vùng da điều trị đều màu.
- Lăn kim có thể được sử dụng để trị thâm, da yếu, nhờn, khô, lão hóa, nhăn nheo, chảy xệ… Vì khi lăn kim kích thích da ở lớp thượng bì, các tế bào da yếu sẽ được phá vỡ. Từ đó, lớp Collagen và Elastin mới hình thành sẽ khỏe hơn làm se khít lỗ chân lông, tăng độ đàn hồi da, tăng độ ẩm tự nhiên cho da, kiểm soát được lượng dầu nhờn.
4. Lưu ý quan trọng khi lựa chọn phương pháp lăn kim
Khi sử dụng phương pháp lăn kim để điều trị bất cứ vấn đề gì thì cũng cần đặc biệt lưu ý những vấn đề quan trọng sau:
- Chọn địa điểm điều trị lăn kim uy tín như các spa lớn, thẩm mỹ viện hoặc những bệnh viện da liễu tuyến đầu.
- Thực hiện đúng theo những hướng của bác sĩ về việc trước và sau lăn kim
- Không tự ý bôi thuốc linh tinh nên vùng da tổn thương trước khi lăn kim.
- Giữ tinh thần thoải mái, ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ hợp lý… sẽ ảnh hưởng tích cực đến kết quả lăn kim.
- Liên hệ trực tiếp bác sĩ để được tư vấn khi lựa chọn điều trị lăn kim hoặc khi có bất kỳ vấn đề gì.
5. Những lưu ý sau khi lăn kim trị mụn
Để việc lăn kim đạt được hiệu quả cao nhất, bệnh nhân cần chú ý đến việc chăm sóc da như sau:
- Vệ sinh da sau lăn kim nhẹ nhàng: Sau khi lăn kim, da sẽ trong tình trạng tổn thương nhẹ và còn khá sưng đỏ. Lúc này để làm sạch da, bệnh nhân không nên sử dụng hầu hết các loại mỹ phẩm thường dùng, thay vào đó nên làm sạch da bằng nước muối sinh lý. Sau 3 ngày, khi tình trạng da bắt đầu ổn định lại, lúc này có thể rửa mặt với nước sạch nhưng lưu ý phải thật nhẹ nhàng và tránh để da trầy xước.
- Chăm sóc da bằng sử dụng các loại kem phục hồi: Sau khi lăn kim, thường bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn và kê với những loại kem phục hồi để điều trị tại nhà, những sản phẩm này hoàn toàn phù hợp với tình trạng da của bệnh nhân. Vì thế, cần chăm chỉ bôi kem đẩy đủ và đúng liều để làn da được phục hồi một cách nhanh chóng.
- Bảo vệ da mới lăn kim bằng kem chống nắng: Trong vòng 1 tuần sau lăn kim, bệnh nhân không được sử dụng bất cứ sản phẩm chống này nắng nào, vì thế lúc này cần tránh ánh nắng mặt trời tuyệt đối bằng cách hạn chế tối đa việc ra ngoài đường. Sau 1 tuần, bệnh nhân sẽ bắt đầu có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng da. Lưu ý rằng chỉ nên bôi kem chống nắng có chỉ số SPF 30 mỗi ngày.
- Duy trì chế độ ăn uống hợp lý và đầy đủ: Sau lăn kim, bệnh nhân hãy bổ sung các loại thực phẩm hoặc dược phẩm nhiều Vitamin C, Protein…để giúp thúc đẩy sự phục hồi da từ bên trong. Nên kiêng 3 – 4 tuần những thực phẩm như rau muống, thịt gà, thịt bò, hải sản, rượu bia, chất kích thích… để tránh hình thành sẹo trên da.
Lăn kim được cho là một phương pháp được nhiều người ưa chuộng trong điều trị những trường hợp bị sẹo mụn và cũng đã cho thấy những tác dụng rất tuyệt vời. Tuy nhiên, trước khi quyết định lựa chọn hình thức lăn kim hay bất kỳ biện pháp chữa trị nào khác, bệnh nhân cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa da liễu, để được hướng dẫn cũng như lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
HOTLINE
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.